Giải pháp nào để quản lý thuế hiệu quả?

Công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới hiện đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Song, những đặc trưng của nền kinh tế số đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế. Vậy đâu là giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới?

Quản lý thuế hiệu quả

Khó quản lý vì không có đăng ký kinh doanh.

Theo PGS. TS Phạm Ngọc Dũng – nguyên Trưởng Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính), hoạt động của cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ với nhiều nhà cung cấp nổi tiếng, như: Facebook, Google, Netflix, Youtube, Amazon, TikTok…

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều hành vi sai phạm xuất hiện tràn lan trên môi trường trực tuyến, đặc biệt là trên các nền tảng xuyên biên giới, như: đăng tải thông tin sai lệch, xuyên tạc, trái pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…; không tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam về truyền thông, thông tin, quảng cáo; đặc biệt không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế; không cung cấp thông tin kịp thời theo yêu cầu của các cơ quan chức năng…

Hệ thống luật pháp liên quan đến quản lý thuế đối với lĩnh vực giao dịch điện tử và thương mại điện tử của Việt Nam đã được quy định. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, công tác quản lý thuế đối với một số hoạt động kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới của các công ty có trụ sở tại nước ngoài không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam như: Alibaba, Aliexpress, Amazon, Agoda, Traveloka, Booking, Expedia…, không tiến hành đăng ký kinh doanh nên cơ quan nhà nước khó theo dõi, quản lý, xác định đối tượng. Những nhà kinh doanh này cũng thường không kê khai hoặc kê khai sai doanh thu thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, một số hoạt động chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh, hơn nữa còn có hoạt động trên nền tảng xuyên biên giới đang trong tình trạng tranh cãi thuộc vào loại hình kinh doanh nào, dẫn đến khó khăn trong việc xác định bản chất, loại hình, mức thuế để đánh thuế hoạt động kinh doanh. Đơn cử như hiện nay, đã xuất hiện nhiều cá nhân thực hiện các giao dịch mua bán tiền “ảo”, chuyển nhượng các vật phẩm “ảo” trong game hay cho thuê ứng dụng để đặt quảng cáo trực tuyến có doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng không kê khai, nộp thuế đầy đủ.

Cần những “bộ lọc” để loại các “cơn gió độc”

Để quản lý kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các hoạt động giao dịch điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số. Tuy nhiên với những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của nền tảng số tại Việt Nam, đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế.

Theo PGS. TS Phạm Ngọc Dũng, kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới đang là mô hình kinh doanh tất yếu của thời đại công nghệ số. Song việc quản lý sẽ còn nhiều khó khăn, phức tạp trong xử lý các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới, không chỉ với Việt Nam, mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới.

Để từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, PGS. TS Phạm Ngọc Dũng cho rằng, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Đầu tiên là hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có việc bổ sung các quy định về trách nhiệm của các nền tảng xuyên biên giới trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính, quảng cáo… gắn với trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp dịch vụ qua các nền tảng xuyên biên giới.

Cùng với đó, chúng ta cần nghiên cứu ban hành chính sách yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới bảo đảm tính minh bạch về nội dung và khả năng có thể giám sát được về mặt kỹ thuật. Điều này là không dễ dàng nhưng là yêu cầu cần thiết, bởi lẽ nhiều quy định trong tiêu chuẩn cộng đồng của một số nền tảng xuyên biên giới không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng cần nghiên cứu để có thỏa thuận cụ thể về mặt kỹ thuật giữa nhà quản lý với các nền tảng xuyên biên giới và đại lý của họ tại Việt Nam để có cơ chế thực thi rõ ràng.

Ngoài ra, chúng ta cần nghiên cứu ban hành chính sách yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới phải cung cấp sự rõ ràng cho người dùng về quy tắc kiểm duyệt của họ và các quyền khiếu nại của người dùng.

PGS. TS Phạm Ngọc Dũng cho rằng, Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường tiềm năng của các nền tảng xuyên biên giới, nhất là từ năm 2020 đến nay, cùng với sự dịch chuyển của xu hướng tiêu dùng, nền tảng xuyên biên giới trở thành trạng thái “bình thường mới”.

Tuy nhiên, với những làn “gió mới” như các nền tảng xuyên biên giới thì các biện pháp quản lý phải là những “bộ lọc” để loại những “cơn gió độc”, qua đó tạo đà cho mô hình kinh doanh mới này có cơ hội phát triển lành mạnh ở Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số trong giai đoạn sắp tới.

Toàn Cầu sưu tầm.